Trang chủ / Kiến thức vay vốn / Vay thế chấp cổ phần theo quy định của pháp luật

Vay thế chấp cổ phần theo quy định của pháp luật

Tính lãi vay ngân hàng – Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Vậy cổ đông có thể vay thế chấp cổ phần theo quy định của pháp luật?

Vay thế chấp cổ phần theo quy định của pháp luật

Cổ phần là gì?

Cổ phần được hiểu là vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Các cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông. Chỉ có các công ty cổ phần mới được phát hành cổ phần. Giá trị cổ phần sẽ được thể hiện bằng cổ phiếu. Hay nói cách khác, cổ phiếu là một bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của một cổ đông đối với một Công ty Cổ phần.

Cổ phần có được coi là tài sản thế chấp không?

Điều 105 và Điều 115, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

“Điều 115. Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Theo quy định trên thì cổ phần là tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu (là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó).

Mặt khác, Điều Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định như sau:

“1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm”.

Như vậy, cổ phần cũng được gọi là tài sản bảo đảm vì nó thuộc quyền sở hữu của cổ đông (khách hàng vay vốn) và xác định được giá trị.

Cổ đông có được thế chấp cổ phần để vay vốn không?

Căn cứ Khoản 1, Điều 317, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”.

Như vậy, khách hàng có thể dùng cổ phần mà mình sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay thế chấp tại ngân hàng. Theo đó, khách hàng không cần chuyển giao cổ phần cho bên nhận thế chấp. Cổ phẩn sẽ thuộc quyền sở hữu của khách hàng và khách hàng vẫn có các quyền và nghĩa vụ trong công ty cổ phần đó.

Nếu khách hàng mất khả năng thanh toán thì ngân hàng xử lý ra sao?

Quy định xử lý tài sản đảm bảo

Căn cứ Điều 299, Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm bao gồm:

Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

Như vậy, theo quy định trên, khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, mà khách hàng không có khả năng thanh toán thì bên nhận đảm bảo có quyền xử lý tài sản đảm bảo.

Việc xử lý tài sản thế chấp được quy định tại Điều 303, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

– Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

  • Bán đấu giá tài sản
  • Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản
  • Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm
  • Phương thức khác
  • Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác

Như vậy, với trưởng hợp vay thế chấp cổ phần, phương thức xử lý tài sản bảo đảm chính là việc người vay chuyển nhượng cổ phần cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Quy định chuyển nhượng cổ phần

Căn cứ Điều 127, Luật doanh nghiệp 2020, việc chuyển nhượng cổ phần được quy định như sau:

– Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

– Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Rủi ro của việc thế chấp cổ phần

Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 111, Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường 2 trường hợp sau:

Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp trên và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Như vậy, trong trường hợp người vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì việc chuyển nhượng cổ phần sẽ gặp phải một số vấn đề như sau:

– Trường hợp người thế chấp là cổ đông sáng lập của công ty, thời hạn chuyển nhượng là 3 năm kể từ ngày Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì việc chuyển nhượng này được coi là hợp lệ nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Nếu Đại hội cổ đông không thông qua thì trong thời hạn 3 năm đó bên thế chấp và bên nhận thế chấp không thể thực hiện được giao dịch chuyển nhượng.

– Trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần thì giao dịch này cũng không được phép diễn ra.

Giải pháp cho bên nhận thế chấp?

Để hạn chế rủi ro khi cho vay thế chấp cổ phần, bên nhận thế chấp cần yêu cầu bên thế chấp đảm bảo 2 yêu cầu sau:

  • Điều lệ công ty không có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần
  • Cổ đông (tức khách hàng vay vốn) phải có văn bản đồng ý của Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phẩn chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần trước khi vay vốn.

Như vậy, việc vay thế chấp cổ phần là hoàn toàn hợp pháp. Bên nhận thế chấp cần lưu ý một số điều trên để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vay vốn.

Tinhlaivay.vn – Công cụ hỗ trợ khách hàng tính lãi suất vay ngân hàng, tính lãi suất tiết kiệm đang áp dụng. Quý khách hàng cần được hỗ trợ tư vấn sử dụng nguồn vay vốn tại Ngân hàng, cũng như các dịch vụ khác như tiền gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng, ngoại hối, thanh toán quốc tế, chuyển tiền du học. Có thể liên hệ chuyên viên quan hệ khách hàng qua số điện thoại 0901.260.260 – Mr.Ân để được hỗ trợ kịp thời.

Check Also

Những cách tìm kiếm khách hàng vay thế chấp hiệu quả cho nhân viên Tín dụng

Tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay thế chấp chính là nhiệm vụ chính ...